Đến tận nơi, thưởng thức hương vị gà ri của chị Nguyễn Thu Thoan thôn Tân Trung Chùa, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn mới hiểu được lý do vì sao khách có khi từ trong miền Nam cũng lặn lội đến thăm mô hình và học hỏi cách làm của chị.
Bí quyết nằm ở nguồn thức ăn an toàn
Cách trung tâm thành phố Hà Nội 35km về phía Bắc, Sóc Sơn được hưởng ưu đãi về vị trí địa lý tự nhiên như địa thế cao ráo, cùng khí hậu trong lành, cây cối xanh mát, và nguồn nước ngọt trong, an toàn mang đến cho vùng đất này nhiều lợi thế trong việc phát triển chăn nuôi và đặc biệt là mô hình nuôi gà chăn thả. Từng học Trung cấp Thú y và làm cán bộ thú y của xã, nhìn ra được lợi thế của địa phương, chị Nguyễn Thu Thoan, thôn Tân Trung Chùa, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn đã mạnh dạn đầu tư vào xây dựng mô hình chăn nuôi gà, lợn đạt hiệu quả kinh tế cao.
Trang trại của chị Nguyễn Thu Thoan gồm hai khu cách nhau chừng 1km nằm tại hai xã khác nhau của huyện Sóc Sơn, đó là thôn Ninh Môn, xã Hiền Ninh và thôn Hàm Rồng, xã Quang Tiến với tổng diện tích 3ha. Về thăm mô hình ít ai nghĩ đây là cơ sở chăn nuôi bởi không khí mát mẻ, với bạt ngàn cây cối và đặc biệt không hề thấy mùi hôi từ việc chăn nuôi. Chia sẻ về điều này, chị Nguyễn Thu Thoan hồ hởi: “Nền lót tôi sử dụng trấu, mùn cưa và men vi sinh khử hoàn toàn mùi hôi”. Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thu Thoan, chi phí cho nền lót với độ dày 20cm trên 100m2 diện tích nền, có thể nuôi 1.000 con gà khoảng từ 2,5 - 3 triệu đồng, sử dụng tới 2 năm vẫn đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn trong chăn nuôi. Đặc biệt, nền lót này có thể tái sử dụng trong việc trồng rau sạch, cây dược liệu đem lại hiệu quả cao và giá trị kinh tế. Tại trang trại của mình, cứ 5 đến 7 tháng chị thay nền lót một lần và nền lót đã qua sử dụng được bán ra với giá cao hơn giá trị đầu tư ban đầu. Chị chia sẻ: “Nền lót có giá 2.000 đồng/kg. Hiện tại công ty trồng cây dược liệu thu mua và với mỗi 1.000m2 diện tích chăn nuôi tôi thu về hơn 3 triệu đồng”.
Chị Nguyễn Thu Thoan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm
Hầu như tháng nào trang trại của chị cũng đón vài đoàn khách là những người muốn học hỏi và tâm huyết với nông nghiệp sạch. Điều tạo ra sức hút này, bởi theo đánh giá gà của chị Nguyễn Thu Thoan có hương vị đặc biệt. Về đây mới biết bí quyết nằm ở việc sử dụng men vi sinh của chị trong việc ủ thức ăn và xử lý vệ sinh chuồng trại. Anh Vũ Thiện Nhân, chủ trang trại thanh long và hạt điều ở Bình Thuận lặn lội ra tham khảo kinh nghiệm của chị Nguyễn Thu Thoan, cho biết: “Mỗi người làm nông nghiệp lại có bí quyết riêng. Và chị Thoan có bí quyết trong việc ủ thức ăn cho gà, lợn”. Thức ăn gồm ngô, cám gạo và mầm mạch được ủ bằng men vi sinh. Vừa đưa thức ăn cho gà nếm, chị vừa mời chúng tôi thử luôn. Đúng là ngô, cám gạo và rang kỹ mùi thơm hấp dẫn. Hỏi ra mới biết chị trộn cả bột tỏi, bột quế khi thì bột nghệ để tạo mùi thơm cho thịt gà.
Tự xây dựng thương hiệu cho mình
Dù mới thuê đất và triển khai mô hình vào tháng 8 năm ngoái nhưng sản phẩm của chị Thoan đã có được thị trường. Giá bán là 230 nghìn/kg, gà được giết mổ và đóng gói tại cơ sở, và có gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Chị Nguyễn Thu Thoan cho biết: “Tôi ấp ủ ý định từ năm 2010 và đến năm 2016 bắt đầu đi vào việc thử nghiệm ủ thức ăn”. Chị học hỏi tại nhiều trang trại nuôi gà lớn như Bảo Châu, Ngọc Linh, rồi tự mua men vi sinh về ủ thử thức ăn. Hai năm trời nếm nếm, thử thử không biết bao nhiêu chủng men với mục đích để thức ăn đạt được hiệu quả lên men nhanh nhất, cuối cùng chị đã thành công. Hiện tại, thức ăn do chị ủ lên men sau 8 đến 10 giờ ủ, đối với mùa hè và 24 giờ đối với mùa đông. Theo chị, đây là thời gian an toàn để không gây ôi thiu và nấm mốc cho thức ăn, đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe vật nuôi.
Ông Nguyễn Văn Đào, Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh cho biết: “Mô hình của chị Nguyễn Thu Thoan nhỏ nhưng hiệu quả và đặc biệt bởi giống gà, lợn chị nuôi là giống bản địa. Hiện tại cơ sở chăn nuôi này đầu ra cũng không đủ đáp ứng nhu cầu”. Chị Nguyễn Thu Thoan khởi nghiệp chỉ với 60 triệu đồng, phải vay mượn thêm làm từng bước một. Nhiều người biết chị nuôi gà với nguồn thức ăn từ thực vật và men vi sinh, không sử dụng thuốc kháng sinh nên giới thiệu cho bạn bè, và cứ thế gà chị nuôi không đủ bán.
Chị Thoan mạnh dạn thử nghiệm nuôi thêm lợn giống bản địa.
Để minh bạch sản phẩm của mình chị mang mẫu nước, mẫu thức ăn và mẫu thịt gà đi kiểm tra kết quả cho thấy thịt gà của chị không nhiễm khuẩn salmonella và E. coli, đảm bảo an toàn. Hiện tại, trang trại của chị Nguyễn Thu Thoan có khoảng 3.000 con gà, 40 con lợn chị đang triển khai nuôi thử nghiệm với tổng trị giá 600 triệu đồng. Gà tại trang trại của chị là giống gà ri, và lợn là giống bản địa có bố là lợn rừng được thuần chủng. Với chị: “Người sản xuất quyết định sản phẩm sạch hay không sạch, an toàn hay không an toàn”. Mong muốn lớn nhất của chị Nguyễn Thu Thoan là được đầu tư vốn để mở rộng sản xuất chăn nuôi.
Gà tại trại của chị Thoan
Hiện nay, khi thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tràn lan gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến những người sản xuất chân chính thì những mô hình như mô hình của chị Nguyễn Thu Thoan cần sự quan tâm, nhân rộng.