Vốn làm việc trong ngành thú y xã, chị Thoan hiểu hơn ai hết những rủi ro của chăn nuôi gia cầm bởi những đợt dịch bệnh, bão giá. Theo chị Thoan, chăn nuôi theo hình thức thả vườn, gà chậm lớn, tỷ lệ hao hụt do dịch bệnh cao. Còn chăn nuôi gà theo hình thức công nghiệp thì chi phí cao, trong khi giá bán sản phẩm thấp. Để giải quyết những bất cập này, chị đã mày mò nghiên cứu chăn nuôi gà vi sinh.
Với mô hình này, chị tự trộn cám gạo, cám mạch, cám ngô, đậu tương... với men vi sinh, để cho ra loại thức ăn ủ men, kích thích hệ tiêu hóa, giúp gà hấp thụ tốt thức ăn, lớn nhanh, độ đồng đều cao, ít nhiễm bệnh. Đặc biệt, để tạo sự thơm ngon cho gà, chị Thoan còn bổ sung các loại quế, tỏi, phấn hoa, tinh bột nghệ... vào thức ăn. Phần nền lót cho gà, chị sử dụng trấu, mùn cưa, sau đó trộn với men vi sinh khử hoàn toàn mùi hôi. Ngoài sản phẩm gà thịt, mỗi năm trang trại của chị Thoan cung cấp ra thị trường khoảng 70.000 tấn phân gà vi sinh cho các trang trại canh tác rau màu, cây ăn quả. Với cách làm này, chị Thoan không chỉ sản xuất ra gà vi sinh an toàn mà còn giải quyết được bài toán môi trường. Đồng thời, gà ít dịch bệnh, tiết kiệm chi phí 10% so với chăn nuôi kiểu công nghiệp và 30% so với gà thả rông.
Với chất lượng đảm bảo, dù trong thời gian dịch bệnh, người chăn nuôi cả nước lao đao vì giá gia cầm xuống thấp và khó tiêu thụ, trang trại của chị Thoan vẫn cung cấp đều cho thị trường 60-70 con gà/ngày, với giá 250.000 đồng/kg gà thịt, cao gần gấp đôi so với thị trường. Gà được giết mổ, đóng gói, hút chân không tại trang trại và được gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Không cho phép mình bỏ cuộc
Hành trình khởi nghiệp của chị Nguyễn Thu Thoan là một chặng đường dài, với những "ổ voi", đến bản thân chị cũng không hình dung được. Nhưng chị luôn tự nhủ: Thất bại thì làm lại chứ không được phép bỏ cuộc. Khi đã định hướng được đường đi cho mình, cần cố gắng để về đích an toàn.
Chị Thu Thoan nhớ lại: "Giữa 2017-2018, sau nhiều năm nghiên cứu ứng dụng các loại men vi sinh, thử nghiệm, trả giá để chọn ra loại men ưu việt nhất, tôi bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ con gà. Không có tiền trong tay, tôi vẫn quyết định thuê đất cách nhà khoảng 10km. Hàng ngày đi đi về về, chăm sóc 1.500 con gà và 40 con lợn, nuôi hoàn toàn bằng thức ăn ủ men vi sinh để bán cho dự án. Gà nuôi đạt chất lượng tốt nhưng khi bán, người ta chỉ trả giá bằng đúng với gà nuôi theo kiểu công nghiệp: 55.000 đồng/kg. Ức chế, thất vọng, tôi đành rút lui tìm đất thuê chỗ khác, tách rời mô hình dự án để tự làm lại".
Sang năm 2018-2019, chị Thoan tìm được mảnh đất cách nhà 5 km và xây dựng mô hình của riêng mình. Gây dựng lại trại gà từ đầu, với 500 con gà chuyển về từ trang trại cũ, chị tự xây dựng mảng thị trường cho sản phẩm mình làm ra. Chất lượng gà được ghi nhận. Các nhà phân phối và người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm, chị bắt đầu tăng đàn, mở rộng sản xuất. Hành trình đang dần đi vào ổn định, với chuỗi vòng tròn cuốn chiếu để đảm bảo hàng hóa bán đều ra thị trường thì chị bị đòi lại đất.
Cuối năm 2019, chị chuyển trang trại lần thứ 3. Vừa lo chăn nuôi, đảm bảo quy trình nhập-xuất, vừa chăm sóc khách hàng quen, chị thở phào vì công việc tạm ổn. Và năm 2020, trang trại của chị đã đi vào sản xuất ổn định.
Hành trình khởi nghiệp không đất lại không tiền, chỉ có lý trí và nghị lực nhưng sự quyết tâm và tinh thần lạc quan của người phụ nữ nhỏ bé này luôn truyền năng lượng cho những người xung quanh. Chị Thoan cho biết, chị không thể bỏ gia đình đi nơi khác lập nghiệp, nên việc đồng thời vừa lo cho sự nghiệp bản thân vừa lo cho hạnh phúc gia đình, quyết bám trụ ở nơi đất chật người đông này để làm nông nghiệp sạch, an toàn là một thử thách không nhỏ. Vì vậy, chị Thu Thoan đang lên kế hoạch chuyển giao công nghệ nuôi gà vi sinh cho các tỉnh, thành phố, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp tử tế, làm ra những nông sản, thực phẩm có giá trị, an toàn cho sức khỏe.
( Nguồn: https://phunuvietnam.vn/chu-trang-trai-lam-giau-tu-4-chu-dam-20200505155304829.htm)